Từ phép trừ trong cuộc sống …
Trong quyển sách “Sống đơn giản cho mình thanh thản”, tác giả Shunmyo Masuno có đưa ra những nhận xét khá thú vị. Ông cho rằng xu hướng chăm sóc sức khỏe hiện nay như một phép tính cộng. Cứ sản phẩm nào được quảng cáo tốt là người ta lại mua. Còn trong thế giới của thiền, việc chăm sóc sức khỏe ấy lại như một phép tính trừ. Chẳng hạn, nếu nói về chuyện ăn uống, thì trong thiền người ta không nghĩ đến việc “ăn những thứ tốt cho sức khỏe”, mà nghĩ đến việc “loại bỏ những thứ không tốt cho sức khỏe”. Không chỉ là việc ăn uống, mà cả những thói quen có hại cho sức khỏe cũng cần phải được loại bỏ bớt. “Trừ đi” những thực phẩm, những thói quen không tốt cho sức khỏe sẽ mang lại cho bạn sức khỏe và sắc đẹp mỗi ngày.
Shunmyo Masuno cũng cho rằng chính người Nhật đã tạo ra phép trừ. Người Châu Âu có văn hóa dùng nước hoa từ rất lâu, văn hóa này đã ăn sâu bám rễ vào từng cá nhân. Bởi vì mùi cơ thể của họ rất nặng nên họ mới nghĩ phải làm gì đó để có thể làm chìm thứ mùi ấy xuống. Và lúc đó, họ đã tạo ra một loại nước hoa có mùi hương mạnh hơn cả mùi cơ thể. Đó là lối suy nghĩ dựa trên phép cộng. Trái lại, người Nhật nếu có mùi cơ thể thì sẽ nghĩ cách để loại bỏ mùi ấy đi. Họ sẽ vào bồn tắm để gội rửa thật sạch sẽ, kỹ càng, loại bỏ những mùi khó chịu trên cơ thể. Do đó “văn hóa xà phòng” xuất hiện.
Xu hướng “phép trừ” như tác giả Shunmyo Masuno đề cập không chỉ có trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mà nó còn hiện diện khá nhiều trong đời sống hiện nay. Trong lĩnh vực điện thoại di động, để máy chạy nhanh hơn, xu hướng hiện nay không phải là cứ gia tăng bộ nhớ để làm giá máy cứ đội lên mà là cắt giảm bớt nhiều chức năng không cần thiết của các app (các phiên bản rút gọn Lite) để tiết kiệm không gian lưu trữ, giúp máy chạy nhanh hơn, đỡ cồng kềnh; tương tự như trên desktop, muốn tăng thêm khả năng lưu trữ thì bạn buộc phải xoá bớt những chương trình và tập tin không cần thiết chứ không phải bỏ tiền nâng cấp ram. Trong tư duy duy làm giàu, khi việc tăng thêm thu nhập còn hạn chế thì việc tiết kiệm, cắt giảm bớt những chi phí không cần thiết cũng giúp mình có thêm nguồn tích lũy, tăng cơ hội làm giàu. Đặc biệt trong triết lý sống hiện nay, xu hướng chung là không sống vội, sống gấp, luôn bận rộn, đa đoan, bon chen để làm tăng tình trạng căng thẳng, stress, đánh mất sự tự do, thanh thản; mà là buông bỏ bớt, hạn chế bớt tham muốn, làm cho đời sống của mình bớt phức tạp, giảm áp lực để có được trạng thái bình an, hạnh phúc.
… đến phép trừ trong môn Bơi lội
Trong môn Bơi lội, hiệu quả động tác đến từ sự kết hợp của 2 nỗ lực: tối thiểu hóa lực cản và tối đa hóa hiệu quả lực tiến về trước, trong đó tối thiểu hóa lực cản có ý nghĩa quan trọng hơn. Đó chính là phép trừ trong môn Bơi lội và cũng là bí kíp số 1 của dân bơi chuyên nghiệp.
Nhiều người mới bắt đầu tập bơi không thực sự hiểu điều này, nhưng nó chính xác giống như đua xe đạp. Khi đua xe đạp, cua-rơ phải giảm thiểu diện tích bề mặt của họ đối với hướng gió (cúi người về phía trước, khép hai cánh tay vào trong, đội mũ có hình khí động học) để giảm tối đa lực cản của gió từ phía trước, mà dân chuyên môn gọi là lực cản chính diện.
Trong Bơi lội, lực cản chính diện xuất hiện khi nước chảy ngược vào “phần trước” của người bơi, tức phần có chiều ngang lớn nhất và là phần chìm sâu của cơ thể người bơi trong nước.
Trong môi trường nước, lực cản chính diện thậm chí còn “lợi hại” hơn vì bạn phải di chuyển cơ thể xuyên qua một vật trung gian có độ đậm đặc gấp 1000 lần không khí. Đối với một người chạy bộ, điều này tương tự như việc cố gắng chạy băng qua cánh đồng ngược gió mạnh cấp 8!
Điều cần lưu ý là những người đi xe đạp nhận ra ngay lực cản gió vì họ có thể trải nghiệm luồng không khí thổi ngược vào người họ mạnh yếu khác nhau tùy vào việc họ đạp xe thẳng người hay cúi thấp người. Việc đổi tư thế thân người trong lúc đạp xe là quá dễ để người đạp có thể cảm nhận được sự khác biệt. Trong khi đó, người bơi lại ít nhận ra được lực cản của nước mặc dù nước "dày hơn" rất nhiều so với không khí do việc thay đổi tư thế thân người trong khi bơi là điều phải qua luyện tập và liên quan nhiều đến yếu tố kỹ thuật. Người bơi cũng khó trải nghiệm luồng nước tác động vào người mạnh yếu như thế nào khi thay đổi tư thế thân người. Họ chỉ biết điều này thông qua vật trung gian là đồng hồ bấm giờ. Nếu tư thế thân người tốt thì họ sẽ bơi nhanh hơn với cùng sức lực đã bỏ ra.
Hãy suy nghĩ về điều này: nếu bạn đứng trên mặt đất và bật cao lên thì bạn đốt mất khoảng 10 calo. 9 trong số 10 calo này có tác dụng trực tiếp vào việc nâng bạn lên khỏi mặt đất. Chỉ có 1 calo bị mất vì sự thiếu hiệu quả đôi chút của nỗ lực cơ bắp. Bởi vì cơ co gây nên sự ma sát và điều đó tạo nên nhiệt - nguyên nhân của hiện tượng chảy mồ hôi khi có sự nỗ lực gắng sức – vì vậy một số năng lượng bị mất đi do sự thải nhiệt. Trái lại, khi bạn xuống nước và bơi một vài động tác, đốt cháy 10 calo thì chỉ có 1 calo có tác dụng trực tiếp vào việc đưa bạn chuyển động về trước; 9 calo khác sẽ bị mất đi do năng lượng hao phí vào việc chống lại lực cản của nước. Vì vậy, chính môi trường nước đã tạo nên sự khác biệt trong bơi lội. Nước cướp đoạt năng lượng và tính hiệu quả của người bơi.
Vì vậy người bơi phải giảm tối đa lực cản chính diện trong nước bằng cách giảm kích thước của phần trước di chuyển xuyên qua nước. Tư thế cơ thể của người bơi trở nên rất quan trọng: tư thế cơ thể dài và hẹp sẽ làm giảm lực cản chính diện. Trong thực tế, điều này có nghĩa là làm cho cơ thể của bạn khi bơi giữ ở tư thế càng nằm ngang trong nước càng tốt (đúng cả trong 4 kiểu bơi). Ví dụ trong trường hợp bạn bơi tự do, đầu của bạn phải hạ thấp xuống trong nước thay vì ngẩng ngược lên làm cho cơ thể của bạn bị chìm phần sau (đó là lý do tại sao bạn phải học cách nghiêng đầu thở để đỡ ngẩng đầu thở về trước tạo nhiều lực cản). Bạn cũng có thể giảm thiểu lực cản bằng cách đưa bàn tay vào nước nghiêng một góc 45 độ để bàn tay cắt vào nước “ngọt hơn”, và bạn cũng có thể học cách xoay người khi bơi để cơ thể “khoan” trong nước dễ dàng hơn.
Nhưng tại sao tối thiểu hóa lực cản có ý nghĩa quan trọng hơn tối đa hóa hiệu quả lực tiến? HLV Olympic Gennadi Touretski – người huấn luyện 2 kỷ lục gia thế giới là Michael Klim và Alex Popov – từng nói “Hãy quên việc chỉ dựa vào sức”. Cách thức huấn luyện dựa trên khoa học của ông đã chứng minh quan điểm cho rằng không phải sức lực đơn thuần tạo ra nhà vô địch bơi lội mà chính là tính hiệu quả của chuyển động trong nước. Klim và Popov được giảng dạy để bơi như cá, để “cảm giác” nước và lướt trong nước. Theo HLV Touretski, cách giảm lực cản nước là tốt hơn vì để tối đa hóa lực tiến, bạn phải tăng tần số động tác, mà khi tăng tần số động tác, bạn sẽ nhanh chóng bị hụt hơi vì sự tiêu hao năng lượng trong nước tăng theo lập phương tốc độ động tác. Nói cách khác, nếu bạn tăng tốc độ quạt nước lên gấp đôi thì tiêu hao năng lượng của bạn tăng lên gấp tám!
Bạn thấy đó, trong khi bạn “hùng hổ” làm phép cộng, tập trung sức quạt tay, đập chân cho thật mạnh để bơi nhanh thì dân chuyên nghiệp lại “âm thầm” làm phép trừ, gọt dũa từng chi tiết kỹ thuật để bơi hiệu quả hơn, giảm bớt nhiều lực cản nước hơn. Khổ nổi, khi bạn bơi chưa chuẩn thì việc gia tăng lực quạt tay chân chỉ làm trầm trọng hơn những khiếm khuyết kỹ thuật, làm bạn bơi mau mệt hơn, khổ sở hơn.
Điều cần lưu ý là bí kíp này chỉ áp dụng được đối với những người có cấp độ bơi từ trung bình khá trở lên. Người mới học bơi hoặc bơi ở mức sơ cấp chưa áp dụng được. Người mới học bơi mà áp dụng sẽ “tẩu hỏa nhập ma” vì lúc đó họ còn phải chú ý nhiều thứ quan trọng khác như bơi sao cho nổi, thở sao cho khỏi sặc nước, phối hợp chân tay sao cho đúng … nên đâu thể chú ý để “bơi sao cho ít cản nước”. Đã gọi là bí kíp thì phải thuần thục những thứ cơ bản trước mới sử dụng được.
HLV Touretski còn nói: “Tôi vẫn đang lao vào cuộc chiến đi tìm vẻ đẹp của kỹ thuật. Vẻ đẹp và sự hoàn hảo rất gần nhau”. Bạn phải đi từ bơi đúng tiến đến bơi đẹp rồi mới tiến đến bơi nhanh hoặc cao hơn nữa là bơi thi đấu được.
Chung Tấn Phong