Mùa hè sắp đến - mùa của những niềm vui được ngăm mình và chơi đùa dưới dòng nước mát lạnh ở các hồ bơi, ao, hồ, sông, suối, biển của trẻ em. Nói không ngoa khi cho rằng nước chính là niềm vui mùa hè điển hình của con trẻ. Nhưng niềm vui với nước này cũng có thể là tai họa cho trẻ nếu cha mẹ không có các biện pháp phòng ngừa thích hợp, trong đó sự giám sát của cha mẹ là một trong những công cụ phòng ngừa đuối nước sẵn có tốt nhất. Tuy nhiên, giám sát là gì, giám sát như thế nào là những vấn đề không phải ai cũng hiểu đúng, đặc biệt là giám sát trẻ xung quanh nước.
Giám sát trẻ xung quanh nước là một trong những kiến thức an toàn nước cơ bản dành cho các bậc cha mẹ. Cha mẹ phải nắm được chủ đề này một cách tường tận để đảm bảo an toàn nước cho con mình. Về cơ bản, nội dung về giám sát có 5 vấn đề chính.
Thứ nhất, giám sát là gì. Giám sát là sự kết nối bằng mắt liên tục với con của mình. Bạn nên giữ con mình trong tầm mắt và ở vị trí có thể phản ứng nhanh chóng. Đây không phải là việc lâu lâu liếc nhìn một lần khi bạn ngủ trưa, đọc sách hoặc làm việc nhà, và nó cũng không phải là việc bạn làm việc ở trong nhà và nhìn con chơi ở bên ngoài.
Giám sát là lớp bảo vệ đầu tiên và quan trọng nhất cho sự an toàn nước của con trẻ. Nhiều trường hợp, chỉ trong vài phút trả lời một cuộc gọi điện, chạy ra cổng để mở cửa hoặc “quay qua quay lại” làm việc gì đó một chút là bi kịch đã có thể xảy ra.
Thứ hai, giám sát tích cực là gì. Giám sát tích cực có nghĩa là tập trung tất cả sự chú ý của bạn vào con bạn mọi lúc, khi chúng ở trong, trên hoặc xung quanh mặt nước. Bạn phải giữ con mình trong tầm tay, tương tác với con và sẵn sàng xuống nước trong trường hợp khẩn cấp. Ở nội dung này, bạn cần chú ý 2 từ khóa then chốt: mọi lúc & trong tầm tay
- Mọi lúc: tức là trẻ nhỏ cần có sự giám sát liên tục bất cứ khi nào ở gần nước - cho dù đó là nước có trong bồn tắm, bể lội, ao cá trang trí, hồ bơi, bãi biển hay ao hồ. Trẻ nhỏ có thể bị đuối nước dưới 6 cm nước. Điều đó có nghĩa là đuối nước có thể xảy ra ở nơi bạn ít mong đợi nhất - bồn rửa, bồn cầu, vòi phun nước, xô nước, bể bơm hơi hoặc những khối nước nhỏ xung quanh nhà bạn, như mương rãnh ngập đầy nước mưa. Luôn quan sát trẻ thật kỹ khi chúng ở trong hoặc gần bất kỳ vùng nước nào.
Đừng cho rằng con bạn biết bơi thì sẽ không có nguy cơ bị đuối nước. Tất cả trẻ em cần được giám sát trong nước, bất kể kỹ năng bơi lội của chúng ra sao.
Đừng cho rằng con bạn đang sử dụng vật nổi như phao tròn bơm hơi hoặc bè bơm hơi mà không có nguy cơ đuối nước – phao bị xì, bị lật rất nguy hiểm. Không bao giờ dựa vào các vật nổi để thay mình thực hiện giám sát cho con. Vật nổi không thể thay thế được sự giám sát của người lớn. Bạn mới chính là phao cứu sinh của con mình, chứ không phải bất kỳ một vật nổi nào khác.
Đừng cho rằng con bạn bơi ở khúc ao cạn mà không cần có sự giám sát của người lớn – việc trượt chân, té ngã úp mặt xuống nước là chuyện bình thường, hồ hoặc ao cũng có thể cạn gần bờ, nhưng sâu dần ở xa. Cha mẹ thường ít cảnh giác khi con mình chơi ở mực nước nông.
Đừng cho rằng con bạn bơi ở một bãi biển quen thuộc là an toàn vì tác động của sóng, thời tiết và gió có thể ảnh hưởng đến độ sâu và dòng chảy.
Đừng cho rằng con bạn lội bì bõm ở bồn tắm, chậu thau là an toàn, ngay cả khi trẻ chống tựa tốt trong bồn. An toàn nước phải bắt đầu ngay tại nhà, chứ không ở đâu xa.
- Trong tầm tay: Cách giám sát “trong tầm tay” hay “giám sát tiếp xúc” được sử dụng khi giám sát cho trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và những người bơi yếu
Đối với trẻ sơ sinh / trẻ mới biết đi, trong khi bơi hoặc tắm, tỷ lệ giám sát phải luôn là 1:1 (một người lớn : một trẻ)
Đối với trẻ dưới năm tuổi, giám sát phải ở trong tầm tay; còn đối với trẻ dưới 10 tuổi, giám sát phải có thể nhìn thấy rõ ràng, liên tục và có thể tiếp cận trực tiếp.
Trong các hoạt động bơi biển hoặc bơi trong hồ, giám sát cho trẻ nhỏ khi đứng từ bãi biển nhìn ra hoặc từ trên thành hồ bơi nhìn xuống là không đủ - bạn phải ở trong nước với chúng. Trẻ em dưới năm tuổi cũng nên mặc áo phao khi chơi xung quanh hoặc trong nước, ngay cả khi được giám sát.
Thứ ba, tránh làm nhiều việc cùng một lúc khi giám sát. Cha mẹ bận rộn và thường cố gắng làm nhiều việc cùng một lúc để tiết kiệm thời gian. Khi bạn làm nhiều việc cùng lúc, bạn có thể bị phân tâm và không tập trung hoàn toàn vào việc duy trì sự an toàn của con bạn. Những việc dễ làm bạn sao lãng bao gồm chuông cửa, điện thoại, ăn uống, đi vệ sinh, việc nhà cửa, vv.
Thứ tư, trẻ lớn không nên giao trông chừng trẻ nhỏ. Cha mẹ đưa trẻ nhỏ cho anh chị lớn hơn chăm sóc là một yếu tố gây ra đuối nước ở trẻ mới chập chững biết đi. Trẻ lớn hơn không được trang bị các kỹ năng để nhận thức và ứng phó với tình huống khẩn cấp, và cũng không nên được nhận trách nhiệm này.
Thứ năm, cách tốt nhất để giám sát khi có nhiều gia đình đi bơi chung. Nếu chỉ có ít trẻ con thì chỉ cần phân công một người lớn chịu trách nhiệm chăm sóc chúng. Người giám sát nên đội một cái nón "Người giám sát trẻ em được chỉ định" (một cái mũ đặc biệt nào đó chẳng hạn) và nếu người giám sát đó rời đi, họ nên giao chiếc mũ (trách nhiệm) cho người lớn khác để tiếp quản. Nếu có nhiều trẻ thì sẽ có một người lớn cai quản ở mỗi vị trí khác nhau để theo dõi trẻ chơi ở khu vực đó.
Người được phân công giám sát không được làm gì khác ngoài việc tập trung vào trẻ con mọi lúc. Không điện thoại di động. Không sách. Không tai nghe. Và lưu ý rằng: phòng ngừa là vai trò chính của một người giám sát. Đừng chờ đợi xảy ra chuyện để ứng cứu. Khuyến khích con chơi an toàn và ngăn chặn những trò chơi không an toàn hoặc rủi ro của con.
Ở Việt Nam, những quy định về giám sát chặt chẽ như trên không phải là điều gia đình nào cũng làm được và muốn làm, đặc biệt là những gia đình còn khó khăn ở vùng nông thôn, khi cha mẹ nhiều bận rộn mưu sinh, còn nước thì “bủa vây” khắp nơi. Tôi chỉ mong nếu các bậc cha mẹ tiếp cận được với kiến thức cơ bản này thì ít nhiều họ cũng sẽ có ý thức hơn, lưu tâm hơn và đặt ra những quy tắc an toàn nước trong nội bộ gia đình nghiêm khắc hơn.
Theo Samuel Morris Foundation - Tổ chức từ thiện đầu tiên của Úc hỗ trợ trẻ em sau những vụ đuối nước không gây tử vong, hỗ trợ gia đình của họ và ngăn chặn những cái chết do đuối nước trong tương lai thông qua giáo dục - khi bạn để con mình “khuất tầm mắt, ngoài tầm với” trong môi trường nước thì việc đếm ngược đến bi kịch đã bắt đầu!
Còn theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 8 nguyên nhân chính khiến trẻ em tử vong do đuối nước, có nguyên nhân là do sự sao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc cha mẹ; thiếu sự quan tâm, giám sát con cái của các gia đình. Vậy, để con mình an toàn trong môi trường nước, các bậc cha mẹ phải chú ý tăng cường giám sát nhé.
Mà đã GIÁM thì phải cho SÁT.
Chung Tấn Phong