Trong thư trước, ba mẹ đã nói chuyện với con về việc “Lượng sức mình”. Ba mẹ rất vui vì con đã biết nói "không" và dừng đúng lúc mỗi khi con đi bơi. Trong thư này, ba mẹ muốn con hiểu thêm một nguyên tắc an toàn nước nữa là hãy “dừng lại và suy nghĩ” mỗi khi gặp một vùng nước bất kỳ nào đó. Đừng vội lao mình xuống nước vui đùa khi con không đánh giá được hết những nguy hiểm ở vùng nước mà con không quen thuộc.
Điều đầu tiên con cần biết là nước có mặt ở khắp nơi. Trong thành phố, nước có ở các hồ bơi công cộng, công viên nước. Trong môi trường tự nhiên, nước có ở ao, hồ, kênh, rạch, sông, suối, lạch và biển cả.
Điều thứ hai con nên biết là nước có mặt ở khắp nơi nhưng không phải cứ nơi nào có nước là nơi đó bơi được. Con có biết ao, hồ, sông, suối, kênh rạch, biển cả, … khác với hồ bơi ở những điểm nào không? Có đến 10 điểm khác biệt đó con ạ. Để giúp con dễ hình dung, ba mẹ cung cấp cho con một bảng tổng hợp những điểm khác biệt đó nhé.
TT | Sự khác biệt | Hồ bơi | Nước tự nhiên |
1 | Không gian | Nước khu trú trong diện tích nhỏ của hồ bơi | Diện tích của vùng chứa nước có thể rất rộng lớn |
2 | Độ sâu | Được xác định rõ ràng thông qua biển báo | Không xác định được |
3 | Nhiệt độ nước | Thường ấm | Có thể lạnh |
4 | Vật hỗ trợ nâng đỡ, bám víu dưới nước | Có bệ đứng, dây phao, gờ tường | Không có gì |
5 | Giám sát | Có nhân viên cứu hộ | Thường không có nhân viên cứu hộ |
6 | Dòng chảy | Không có dòng chảy | Thường có dòng chảy nguy hiểm, thậm chí có nước xoáy |
7 | Chất lượng nước | Nước trong (thấy đáy hồ) + Ít có yếu tố gây ô nhiễm | Nước đục (không thấy đáy) + Nước có thể bị ô nhiễm |
8 | Lối lên xuống | Có cầu thang lên xuống | Không có lối lên xuống cụ thể |
9 | Mặt đất | Được lát gạch không trơn, bằng phẳng, ổn định | Mặt đất có thể dốc, trơn hoặc có thể lún sụp đột ngột |
10 | Các mối nguy hiểm dưới nước | Không có | Có đá, vật kim loại, kính vỡ, rong rêu, sinh vật sống |
Qua bảng trên, con có thể thấy nước trong tự nhiên rất khác với nước trong hồ bơi. Ngay cả những người bơi mạnh cũng có thể gặp khó khăn khi bơi trong điều kiện nước lạnh, không thể đoán trước nông sâu và rộng vô bờ bến của vùng sông nước, biển cả. Còn bơi được chút ít trong hồ mà nghĩ là mình sẽ an toàn ở ngoài sông nước tự nhiên thì chẳng khác nào con mới học lớp 1 mà nghĩ mình sẽ đậu Đại học vậy! Rất nguy hiểm con ạ.
Với những đặc điểm như trên, khi con bơi ở ao, hồ, sông, suối, kênh rạch, con dễ bị hụt chân xuống vùng nước sâu do đất lún sụt, trượt chân té xuống nước do bờ dốc, bị dòng chảy đánh bật chân khỏi mặt đất hoặc cuốn ra xa bờ, bị té ngã do chân bị vướng vào vật chìm dưới nước, mắc bệnh ngoài da do dòng nước ô nhiễm, đạp phải vật nguy hiểm nằm dưới mặt nước hoặc khó trèo lên khỏi bờ khi không có bậc lên xuống; còn khi con bơi ở biển, con có thể bị sóng xô quật ngã hoặc bị dòng chảy kéo ra xa khỏi bờ.
Vì vậy, khi gặp một vùng nước bất kỳ nào đó, điều đầu tiên con cần làm là dừng lại và suy nghĩ:
- Nước luôn chuyển động
- Nước có thể lạnh hơn mình nghĩ
- Nước có thể sâu hơn mình nghĩ
- Bờ lún sụt, có thể nguy hiểm
- Có thể có vật lạ, nguy hiểm dưới mặt nước,
Con cũng nên nhớ lời khuyên của ba mẹ trong Thư số 1 – “Không bao giờ đi bơi một mình” để suy nghĩ thêm:
- Có ai bơi cùng mình không?
- Có ai giám sát hoặc có nhân viên cứu hộ trong khu vực này không?
Sau khi con đã nhìn bao quát và có những nhận định đúng đắn về những điều trên, lúc đó con hãy quyết định việc nên hay không nên xuống nước trong khu vực đó. Chậm một chút nhưng cân nhắc kỹ lưỡng là thói quen cần thiết giúp con an toàn hơn mỗi khi con muốn xuống nước vui chơi.
Dù con biết bơi hay không biết bơi, bơi mạnh hay bơi yếu, con đều phải “dừng lại và suy nghĩ” mỗi khi gặp một vùng nước bất kỳ nào đó, con nhé.
Những quyết định đúng đắn khi ở trên bờ giúp con an toàn hơn khi ở dưới nước.
Hay nói cách khác, con sẽ không tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm với sông nước khi con có những suy nghĩ và quyết định đúng đắn khi còn ở trên bờ.
Phải biết người biết ta, con ạ.
Vài dòng nhắn nhủ con. Hẹn con thư sau.
Chung Tấn Phong