Pages

Ánh Viên: Vì sao em khóc?


Bơi lội Việt Nam vừa trải qua một kỳ SEA Games nhiều cảm xúc. 

Thành công có. Thất bại có. Nụ cười có. Nước mắt có. Nhưng đối với tôi, những giọt nước mắt của Ánh Viên làm tôi ray rứt mãi. 

Hãy nghe những lời phát biểu của Ánh Viên:
“Em muốn thành tích của em tốt hơn. Hôm nay, em đã cố gắng làm hết sức của em rồi nhưng thành tích của em cũng không được tốt lắm … do em tham gia quá nhiều cự ly. Bây giờ thật sự có gặp một chút khó khăn cho em vì em có tuổi rồi. Mình lớn rồi, đâu thể hồi phục nhanh như lúc trẻ nữa...”. Thật xót xa.


Ngay cả khi đạt HCV thứ sáu ở nội dung 400m HH, Ánh Viên cũng bật khóc khi được hỏi về sức ép thành tích. Đúng là những giọt nước mắt có vị mặn chát. 

Phải nói rằng 6 HCV – 2 HCB mà Ánh Viên đạt được tại kỳ SEA Games này là một kỳ công và đó là số lượng huy chương mà nhiều VĐV mơ ước. Nó thể hiện sự nỗ lực mạnh mẽ của Ánh Viên trong nhiều tháng chuẩn bị trước SEA Games. Nhưng mọi người cũng thấy một thực tế là: Ánh Viên không thể đạt những thông số thành tích cao nhất của chính mình.

anh chị em nhà Quah

Xin nêu một chi tiết nhỏ ngay tại SEA Games 30 này: Trong ngày thi đấu đầu tiên, anh chị em nhà Quah đã phá bốn kỷ lục SEA Games và đạt bốn huy chương vàng cho đội tuyển bơi lội Singapore. Cô em gái út Quah Jing Wen 19 tuổi đạt HCV, phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 200m bướm nữ với thành tích 2.10.97. Cậu em giữa Quah Zheng Wen 23 tuổi đạt HCV, phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 100m ngửa nam với thành tích 53.79. Chị cả Quah Ting Wen 27 tuổi đạt HCV, phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 100m tự do nữ với thành tích 54.74. Và cuối cùng, cậu em giữa Quah Zheng Wen cùng các đồng đội của mình đạt HCV, phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 4 x 200m TD nam với thành tích 7.17.88.


Dù đạt thành tích khá tốt nhưng cô chị cả Quah Ting Wen 27 tuổi đã phát biểu với báo giới như sau: "Tôi rất vui vì chúng tôi đã chiến thắng - rõ ràng là rất hạnh phúc, rất tự hào. Nhưng tôi nói thay cho cả 3 chị em tôi ở đây là, mục tiêu của chúng tôi là Tokyo 2020 và cả 3 chúng tôi sẽ hình thành một đội". Còn khi bình luận về thành tích phá kỷ lục SEA Games của cô thì cô nói: "Đó là một lần bơi cũng được ... (nhưng) tôi có những mục tiêu lớn hơn”! Được biết, chuẩn A Olympic Tokyo ở nội dung 100m TD nữ là 54.38. 

Như vậy, khi chúng ta “cân, đong, đo, đếm” số huy chương thì những VĐV Singapore lại đang nỗ lực tìm kiếm kỷ lục của bản thân để vươn đến những sân chơi lớn hơn.


Vậy có cách nào để Ánh Viên vừa giúp cho Thể thao Việt Nam đạt được chỉ tiêu thứ hạng, vừa đảm bảo cho em tiếp tục cải thiện thành tích chuyên môn?

Câu hỏi này có thể khó có lời giải trong những thời điểm trước kia khi Bơi lội Việt Nam còn ít tài năng, nhưng hiện nay, khi Bơi lội Việt Nam đã có thêm Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo … “chia lửa” thì hy vọng rằng trong những giải sau, Ánh Viên có thể tập trung nhiều hơn vào các cự ly sở trường của mình, đặc biệt là nội dung 400m HH. Tại Olympic 2016 ở Rio de Janeiro (Brazil), thành tích 400m HH (4.36.85) của Ánh Viên được xếp hạng 9 và chỉ cách thành tích VĐV xếp hạng 8 ở đợt bơi chung kết là VĐV Emily Overholt của Canada có 3 phần mười giây (4.36.54)!


Mặt khác, theo tôi, bơi nhiều nội dung khác với bơi hết nội dung! Ánh Viên có cần thiết bơi 200m ếch, 100m bướm, 200m bướm và thậm chí một số nội dung bơi tự do không? Hãy lấy những cự ly mà Ánh Viên đoạt HCV ở kỳ SEA Games lần này để tính toán cho những lần sau một cách hợp lý nhất.

Ngoài ra, khi là VĐV cấp cao, đã tập luyện thì 1m cũng phải tính toán hiệu quả, đã thi đấu thì 1m cũng phải tính toán chi li. Hồi phục được đặt lên hàng đầu. Chắt chiu sức lực là cần thiết.

Giá mà … những cự ly mà Ánh Viên thi đấu tại SEA Games kỳ này được tính toán cẩn thận hơn thì em đã có nhiều thời gian hơn dành cho hồi phục;

Giá mà … Ánh Viên chỉ bơi những nội dung sở trường (cũng không phải là ít) và đạt được những thành tích cao nhất của bản thân hoặc đạt chuẩn Olympic Tokyo;

Chính vì những điều “giá mà …” như trên, tôi thật sự không khỏi động lòng khi chứng kiến những giọt nước mắt của Ánh Viên tại kỳ SEA Games lần này.


Vì sao em khóc? Đó có thể là một cảm xúc dồn nén không thể chia sẻ trong suốt quãng thời gian dài về những thành tích sụt giảm vừa qua. Đó có thể là một nỗi buồn khi dù đã cố gắng hết mình nhưng vẫn không đạt được thành tích như mong muốn vì bơi quá nhiều nội dung không cần thiết.

Ánh Viên không có lỗi. Em hoàn toàn không có lỗi khi không thể đạt được thành tích đỉnh cao như mong muốn.

Ở độ tuổi của em khó đòi hỏi một sự đột phá nhưng tôi tin rằng em vẫn chưa đạt hết tầm vóc của mình.

Hãy nhìn Quah Ting Wen của Singapore vẫn phá kỷ lục SEA Games và ước mơ đến Tokyo 2020 khi cô đã 27 tuổi.


Vì ai cũng biết:
Đã là VĐV, chiến thắng chính mình mới là quan trọng.

Vì chỉ có chiến thắng chính mình mới tạo động lực để mình vững bước đi tiếp.

Đừng để Ánh Viên phải rơi lệ. Nụ cười của em rất đẹp.


Nếu có rơi lệ, hãy để Ánh Viên khóc những giọt nước mắt hạnh phúc ở những đấu trường lớn hơn.

Chung Tấn Phong